PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
VNDA – THAM GIA PTBV
CHÍNH SÁCH NHÀ NƯỚC
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NÔNG NGHIỆP
VNDA – THAM GIA VÀO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
1. Nông nghiệp bền vững là gì?
Nông nghiệp bền vững được định nghĩa, giải mã trên nhiều khía cạnh. Nhưng nhìn chung, đây được hiểu là một phương thức canh tác nông nghiệp đi theo hướng bền vững, lâu dài. Làm sao đó có thể đáp ứng được nhu cầu về nông phẩm trong cả hiện tại và tương lai.
Việc phát triển nông nghiệp bền vững phải thỏa mãn 3 điều kiện sau:
- Luôn đảm bảo mức thu nhập công bằng, đầy đủ cho người nông dân.
- Đặc biệt tôn trọng môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
- Không gây ảnh hưởng đến thế hệ tương lai sống bằng nông nghiệp. Đồng thời, đảm bảo mức thu nhập công bằng, đầy đủ cho những người này trong tương lai.
Nông nghiệp bền vững là hoạt động, phương thức canh tác đi theo hướng phát triển lâu dài
2. Mục tiêu của nông nghiệp bền vững
Mục tiêu cốt lõi của một hệ thống nông nghiệp bền vững bao gồm:
- Bảo vệ và khôi phục độ phì nhiêu của đất trồng cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
- Tối ưu hoá việc quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của nông trại.
- Đạt được sự hoà hợp của các chu trình sinh học tự nhiên và kiểm soát được các chu trình này.
- Hạn chế, giảm thiểu sử dụng các nguồn không tái sinh cũng như nguồn đầu vào.
- Giảm những tác động xấu, những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, con người, chất lượng nước và loài động vật hoang dã.
- Đảm bảo nguồn thu nhập đầy đủ và đáng tin cậy của nông trại.
- Khuyến khích được gia đình và cộng đồng nông dân cùng thực hiện các mục tiêu này.
3. Nông nghiệp bền vững mang đến lợi ích gì?
Sản xuất nông nghiệp bền vững mang đến nhiều lợi ích cho kinh tế và xã hội. Cụ thể như sau:
3.1. Đối với kinh tế
Nông nghiệp sạch và bền vững sẽ cung cấp nguồn nông sản, nông phẩm dồi dào và chất lượng. Đây chính là nguyên liệu để phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến. Chẳng hạn như chế biến thủy hải sản, chế biến rau củ quả, chế biến các loại thực phẩm và nước giải khát,…
Nhờ đó, vừa nâng cao giá trị của nông sản, vừa phát triển các hoạt động sản xuất. Đặc biệt, có thể đẩy mạnh việc xuất khẩu, mở rộng thị trường. Tất cả điều này sẽ góp phần phát triển kinh tế của quốc gia.
3.2. Đối với xã hội
Việc phát triển bền vững nông nghiệp sẽ tạo công ăn việc làm cho nông dân, từ đó gia tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Về lâu dài, không chỉ xóa đói giảm nghèo hiệu quả mà còn thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp, các nhóm người trong xã hội.
4. Phương pháp để phát triển nông nghiệp bền vững
Có rất nhiều phương pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó có thể kể đến như:
4.1. Luân canh cây trồng
Đây là phương pháp phổ biến nhất và mang lại hiệu quả nhất. Việc trồng cây luân canh sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề về sâu bệnh. Bởi có một số loài sâu bệnh chỉ gây hại trên một cây trồng. Nếu trồng liên tục loại cây đó thì sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Ngược lại, nếu trồng luân canh cây khác thì sẽ cải thiện được tình trạng.
4.2. Trồng cây che phủ đất
Lợi ích lớn nhất của việc trồng cây che phủ đất chính là phòng tránh hiện tượng xói mòn và sạt lở đất. Ngoài ra, còn cung cấp nguồn N tự nhiên để cây trồng phát triển, hạn chế sâu bệnh và dịch hại, giảm việc sử dụng phân bón hóa học vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng môi trường.
Trồng cây che phủ để bảo vệ đất trước tình trạng xói mòn, sạt lở do mưa bão, lũ lụt
4.3. Tạo dinh dưỡng cho đất
Cải thiện và nâng cao chất lượng đất chính là mục tiêu quan trọng của phát triển bền vững trong nông nghiệp. Bởi đất có giàu dinh dưỡng thì cây trồng mới khỏe mạnh, cho nông sản chất lượng. Có rất nhiều cách để tạo dinh dưỡng cho đất như bón phân hữu cơ, phân vi sinh, phân hóa học,…
4.4. Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo
Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Nông dân có thể trang bị hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ cho hoạt động của máy bơm. Hay có thể tận dụng chất thải từ gia súc để làm hầm bioga, phục vụ cho nấu nướng.
BÁM SÁT CHÍNH SÁCH PTBV CÙA NHÀ NƯỚC
( TỪ NAY TỚI 2050 )
Quan điểm là cơ sở hình thành mục tiêu
Đây cũng là chiến lược hiện thực hóa định hướng Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trong đó, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những cơ hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thị trường.
Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát tập trung vào “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới;
Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế – xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính…”.
Cụ thể, Chiến lược coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát triển nông nghiệp trên quan điểm hiệu quả, bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại; phát triển môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Cư dân nông thôn là chủ thể, trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đến năm 2030, chiến lược cũng đề ra các mục tiêu cụ thể về vấn đề tăng trưởng, xuất khẩu, thu nhập người dân, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, phát triển nông nghiệp xanh… Chiến lược cũng tạo nền tảng đề ra các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, cấp thiết, hiệu quả cho từng lĩnh vực.
Đưa ra giải pháp dựa trên định hướng thực tế
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ động lực thúc đẩy phát triển bền vững trong nông nghiệp, đó là: “Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững…, để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân”.
Căn cứ vào mục tiêu chung, Chiến lược chỉ rõ 8 nhóm định hướng và nhiệm vụ chính cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 như sau:
Thứ nhất, hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Thứ hai, tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến.
Thứ tư, phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn.
Thứ năm, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hoá, giữ gìn văn hoá truyền thống.
Thứ sáu, phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn.
Thứ bảy, xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp.
Thứ tám, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu.
Tương ứng với đó, chiến lược cũng xác định 11 nhóm giải pháp sau: (1) Tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy,thống nhất nhận thức và hành động; (2) Đổi mới tổ chức sản xuất – kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất; (3) Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;
(4) Phát triển thị trường trongvà ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản; (5) Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng; (6) Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; (7) Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn;
(8) Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro; (9) Hội nhập và hợp tác quốc tế; (10) Xây dựng, hoàn thiện và triển khaimột số chính sách đột phá; (11) Giám sát và đánh giá.
Ngoài ra, việc thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm và ưu tiên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Chiến lược.
Tuy phát triển nông nghiệp bền vững chỉ là một bộ phận cấu thành trong định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, song nó bao hàm những nội dung có tính mới mẻ, tiến bộ và tương đối hoàn thiện với tình hình hội nhập quốc tế.
Hiện thực hóa phát triển nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc giúp nông dân tiến gần hơn tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp nông nghiệp đáp ứng đầy đủ trước những nhu cầu mới của một quốc gia phát triển.